Chăm sóc bé luôn là một thời điểm cực kỳ khó khăn và đặc biệt là thời kỳ ăn dặm. 5 cách chế biến bột ăn dặm cho bé cực kỳ dễ làm sẽ giải quyết vấn đề ngay.
Một số món bột ăn dặm cho bé được chế biến từ rau củ quả sẽ mang đến cho bé một nguồn dinh dưỡng dồi dào. Hơn nữa, những loại bột dưới đây được đa số các bé thích vì màu sắc cũng như độ thơm của nó, kích thích được sự thèm ăn ở trẻ.
Mẹ nên hấp các loại rau củ vì chúng sẽ giữ được lượng vitamin lớn nhất cho bé thay vì luộc như thông thường. Khi luộc các loại thực phẩm sẽ tiếp xúc với nước sẽ khiến vitamin bị hòa tan vào nước.
Mẹ có thể tham khảo một số loại bột dễ làm và được các bé ưa thích:
1. Bột cà rốt (cho bé từ 4 tháng tuổi)
Cà rốt đặc biệt tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Hơn nữa, cà rốt còn giúp phát triển thị lực và tăng khả năng miễn dịch vì trong cà rốt rất giàu beta-caroten, vitamin B, kali, canxi, coban và các chất khoáng khác.
Nguyên liệu: 450g cà rốt (khoảng 6 củ vừa), bào vỏ và cắt khoanh cỡ 1cm.
Cách chế biến: Hấp cà rốt trong nồi khoảng 20 phút hoặc đến khi cà rốt rất mềm thì lấy ra, giữ lại nước cà rốt tiết ra khi hấp. Sau đó cho cà rốt vào máy xay, xay nhuyễn, thêm phần nước hấp cà rốt vào từ từ đến khi đạt độ loãng/ đặc bạn mong muốn.
Bột cà rốt rất ngon khi ăn riêng và khi được trộn cùng với các loại thực phẩm khác nên mẹ có thể tha hồ chế biến.
Nếu mẹ không có nhiều thời gian hoặc bé không ăn hết thì mẹ có thể trữ bột ăn dặm cho bé trong tủ lạnh. Cà rốt nghiền có thể bảo quản được 3 ngày trong ngăn mát và 3 tháng trong ngăn đông. Tuy nhiên, khuyến khích các mẹ cho bé ăn bột vừa nấu xong. Như vậy sẽ đảm bảo dinh dưỡng hơn.
2. Bột đậu hà lan (cho bé từ 7 tháng tuổi)
Đậu Hà Lan chứa ít calo và giàu chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé, đặc biệt là trẻ béo phì. Hơn nữa, đậu Hà Lan còn chứa chất sắt và vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé, vitamin B6 và axit folic tốt cho hệ tim mạch của bé.
Nguyên liệu: 480g đậu Hà Lan dạng hạt. Nếu mua loại hạt đã được cấp đông thì mẹ cần rã đông trước khi chế biến.
Cách chế biến: Cho đậu vào nồi hấp, hấp khoảng 6 phút hoặc đến khi đậu chín rất mềm. Đậu chín mẹ lấy ra khỏi nồi, giữ lại phần nước đậu tiết ra khi hấp. Cho đậu vào máy xay, xay nhuyễn, từ từ thêm nước hấp đậu vào đến khi đạt độ loãng/ đặc như ý.
Đậu Hà Lan nghiền có thể đặc hơn và dính cục sau khi cấp đông. Để đậu loãng hơn và rời ra, mẹ nên thêm chút nước hoặc sữa khi làm nóng lại trước lúc cho bé ăn.
Mẹ cũng có thể áp dụng cách làm này đối với bông cải xanh, mận, lê và táo nữa nhé. Đối với táo, bạn nên chọn loại táo ngọt. Còn đối với lê, bạn cần gọt và cắt lê ngay trước khi chế biến để tránh lê bị chuyển màu nâu.
3. Trái Bơ nghiền (cho bé từ 4 tháng tuổi)
Trái bơ không chỉ chứa hàm lượng chất xơ, vitamin, sắt, kali và các khoáng chất cần thiết khác cho sự phát triển lành mạnh của bé mà bơ còn là loại quả hợp khẩu vị với đa phần các bé. Một ưu điểm rất lớn nữa của trái bơ đó là không cần nấu qua lửa, bơ chỉ cần sơ chế là có thể sử dụng ngay. Nên trái bơ là một trong những loại trái cây vừa tươi vừa ngon mà lại đủ chất mà bạn dễ dàng mang theo để làm đồ ăn cho bé khi bé ra ngoài chơi.
Nguyên liệu: 1/2 quả bơ chín 1 muỗng nước hoặc sữa
Cách chế biến: Chỉ cần cắt đôi quả bơ, lấy một nửa và dùng thì xúc cho bé ăn trực tiếp.
Bơ rất mềm nên bé có thể nhai nuốt khá dễ dàng. Với các bé mới tập ăn, mẹ có thể dùng nĩa dằm nhuyễn ½ quả bơ cùng với chút nước hoặc sữa đến khi đạt độ loãng / đặc như ý rồi cho bé ăn ngay. Bơ nghiền còn dễ dàng kết hợp với các loại ngũ cốc, rau củ và trái cây khác như táo, lê, chuối, pho mát, khoai tây, khoai lang, bí ngô… . Do đó, quả bơ thực sự là lựa chọn số 1 trong bảng thực đơn ăn dặm cho bé yêu của bạn.
Xem thêm: 15 thực đơn ăn dặm cho bé
4. Bột chuối (cho trẻ từ 4 tháng tuổi)
Chuối là một loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất, là một nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe của bé. Chất xơ trong chuối có tác dụng làm cho ruột bé hoạt động đều hạn chế biếng ăn ở trẻ, giúp phòng chống táo bón, đặc biệt là rất có lợi cho hệ miễn dịch của trẻ.
Theo một số nghiên cứu mới đây, chuối chứa nhiều tyrosin, một tiền chất để sản xuất chất dẫn truyền thần kinh dopamin, serotonin có vai trò tích cực đối với sự nhanh nhạy, khả năng học hỏi và điều hoà hoạt động của tim mạch (nhất là đối với trẻ nhỏ). Trong chuối có đủ 8 loại axít amin thiết yếu mà cơ thể con người không tự tạo ra được, có đến 11 loại khoáng chất và 6 vitamin.
Nguyên liệu: ½ quả chuối tiêu chín và 1 muỗng canh nước lọc hoặc sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Cách chế biến: Nghiền chuối qua rây hoặc dùng máy xay, xay đến khi chuối mịn. Chuối khi được xay sẽ chuyển màu tím hay nâu nhạt là bình thường, bạn đừng nên lo lắng. Thêm nước nếu thấy cần để đạt được hỗn hợp lỏng đặc như mong muốn. Tốt nhất, bạn nên cho thêm sữa mẹ, sữa công thức mà bé đang uống thay vì nước lọc.
Chuối rất khó giữ trong tủ lạnh và dễ bị đen, hỏng, bởi vậy bạn chỉ nên khi chế biến bột ăn dặm cho bé mẹ chỉ nên làm vừa đủ lượng ngay trước khi bé ăn mà thôi.
5. Bột bí đỏ (cho trẻ từ 6 tháng tuổi)
Bí đỏ không những có màu sắc đẹp hấp dẫn với trẻ nhỏ mà bí đỏ còn có hàm lượng nước ít, lượng đường, tinh bột, vitamin A, vitamin C cao … rất tốt cho sự phát triển toàn diện nên được đa số các bà mẹ chọn làm bột ăn dặm cho bé. Và hầu hết các bé đều thích bí đỏ bởi độ ngọt tự nhiên, mềm mượt của loại quả này.
Nguyên liệu: 1 quả bí đỏ nhỏ (khoảng 450g) 15ml nước hoặc sữa
Cách chế biến: Bí đỏ gọt vỏ, cắt miếng nhỏ, hấp chín mềm nhừ. Nếu trộn sữa với bí đỏ thì đun sữa với bí đỏ ở lửa nhỏ tới khi chín mềm. Cuối cùng nghiền nhỏ hỗn hợp trên.