Việc ngâm chân thường xuyên không những trị được các vấn đề về da mà còn đem lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể. Lợi ích của việc ngâm chân hàng ngày đem lại sẽ khiến bạn khá bất ngờ.
Bạn có thể ngâm chân với giấm, trà hoặc rau thì là. Để có thể thữ giãn tốt hơn, bạn cũng có thể chọn các mùi tinh dầu mình ưa thích.
Dưới đây là 7 lợi ích của việc ngâm chân hàng ngày. Hãy bỏ ra chút thời gian để ngâm chân mỗi ngày và cảm nhận sự tuyệt vời này nhé!
1. Khử mùi hôi của chân
Việc ngâm chân không chỉ đem lại cho bạn cảm giác thoải mái, thư giãn mà còn là cách hữu hiệu giúp bạn đối phó với mùi hôi chân. Ngâm chân giúp làm sạch và giúp bạn có đôi bàn chân thơm tho. Ngoài nước ấm và muối bạn có thể một vài loại thảo dược khác như nước cốt chanh hoặc vỏ chanh, phèn chua để nhận được kết quả tốt hơn.
2. Điều trị các vấn đề về da
Bạn có thể trị bệnh nấm chân và trị nấm móng bằng cách ngâm chân trong nước nóng và muối. Vì muối là một trong những nguyên liệu chăm sóc da tốt nhất, đặc biệt là chăm sóc da chân vì nó có thể dưỡng ẩm và tẩy da chết, giảm viêm nhiễm, giảm ngứa, đau, nhức, đồng thời có khả năng sát trùng nên da vừa sạch hơn vừa nhanh phục hồi do viêm nhiễm nấm.
3. Giảm đau khớp
Trong thành phần của muối có các cation (dương) và nation (âm) giúp cân bằng cơ thể, khi kết hợp với nước nóng sẽ tác dụng đến các khớp xương theo cơ chế “nóng giãn, lạnh co cục bộ”. Vì thế nếu đang bị các khớp xương đau nhức dạng viêm khớp , viêm dây thần kinh ngoại vi… thì nên sử dụng phương pháp này.
4. Làm ấm cơ thể, giúp ngủ ngon
Khi thời tiết lạnh dần, nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu, thậm chí mất ngủ vì đôi bàn chân lạnh ngắt dù đã được cuộn trong chăn ấm. Hiện tượng tay, chân lạnh là do việc lưu thông máu không được tốt vì chân là bộ phận xa tim nhất. Lúc này, bạn nên ngâm chân bằng nước ấm để thúc đẩy tuần hoàn máu giúp làm ấm cơ thể.
Sau khi ngâm xong, nên lau khô và bọc chân trong một chiếc khăn khô để chân luôn ấm.
Xem thêm Giải pháp làm mềm da tay chân
5. Giúp cơ thể được thư giãn
Người thường xuyên mệt mỏi, uể oải cũng có thể dùng liệu pháp này để thư giãn. Ngâm chân trong nước muối giúp cơ thể ấm lên từ bên trong, tuần hoàn máu và sự trao đổi chất cũng trở nên thông suốt đến tất cả các bộ phận trong cơ thể giúp tinh thần thoải mái.
6. Có thể trị cảm lạnh
Ngâm chân nước muối thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ chứng lạnh chân, vì vậy có thể giúp bạn điều trị cảm lạnh.
7. Ngâm chân giúp bổ thận, chống lão hóa
Tim cách gan bàn chân rất xa vì thế việc cung cấp máu cho bàn chân là vô cùng ít ỏi. Nếu thường xuyên ngâm chân với nước muối sẽ giúp cho các thành phần hoạt chất có trong nước muối có thể chuyển đến thận và tim, thúc đẩy lưu thông máu, có tác dụng bổ thận, chống lão hóa.
Lợi ích của việc ngâm chân tuy nhiều nhưng bạn cũng cần phải chú ý một số điều khi ngâm chân để có thể đạt hiệu quả cao hơn.
Một số lưu ý khi ngâm chân
– 30 phút sau bữa ăn không nên ngâm chân, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, về lâu dài dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.
– Nhiệt độ nước ngâm chân không quá 50 độ C. Nhiệt độ nước ngâm chân quá cao không những gây tổn thương chân mà còn khiến các mạch máu của bàn chân nở rộng, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, gây bất lợi cho cơ thể.
– Không nên ngâm chân quá lâu. Tốt nhất chỉ nên ngâm chân trong khoảng thời gian từ 15-20 phút. Nếu ngâm chân trong thời gian quá dài máu sẽ lưu thông xuống các chi dưới, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của tim và não. Mùa đông nếu ngâm chân quá lâu có thể dẫn đến khô da, da bị mẩn ngứa.
– Trẻ em không được ngâm nước quá nóng và quá lâu. Phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt cũng không nên ngâm chân.
– Sau khi ngâm chân không nên đi ngủ luôn. Bạn nên lau khô chân và cân bằng nhiệt độ cơ thể, sau đó mới lên giường đi ngủ nhé.
– Khi ngâm chân, nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm. Đây là nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi ngâm chân vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương đởm, túc dương minh vị, túc thái dương bàng quang) 3 đường kinh âm (túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can) đồng thời là nơi có nhiều huyệt nguyên, huyệt tỉnh nên phải để nước ngập cổ chân cho thuốc tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.
– Nên ngâm chân thường xuyên mỗi ngày. Sau khi ngâm xong bao giờ cũng dùng khăn khô lau sạch. Vào mùa đông thì lập tức ủ ấm. Chú ý không nên ngâm chân với mật ong vì trong mật ong thành phần chủ yếu là đường, đường không thấm qua da. Nếu trên da có các vết thương phần mềm thì có thể bôi đắp trực tiếp.
Đôi chân được coi đó là trái tim thứ 2 của con người, vì thế Đông y rất coi trọng việc tập luyện và chăm sóc đôi chân. Đây là phương pháp thư giãn vừa thoải mái vừa tốt cho sức khỏe.